26/09/2007 - 02:43 PM
Bất ngờ từ giá phân bón
KHÁNH TRUNG <EM>( THEO BÁO CẦN THƠ)</EM>
Từ đầu tháng 9-2007 đến nay, giá các loại phân bón đã tăng mạnh và tăng liên tục. Giá phân bón tăng cao đột ngột trong thời điểm sức tiêu thụ vẫn còn rất yếu, không chỉ làm nhà nông bị bất ngờ, mà giới kinh doanh phân bón cũng ngỡ ngàng...
Nghịch lý
Thời điểm này, nhiều nơi ở các tỉnh thành ĐBSCL nước lũ đã lên, nông dân tạm thời ngưng sản xuất lúa, chờ nước rút nên nhu cầu tiêu thụ phân bón rất yếu. Đa số nông dân chỉ mua phân bón cho hoa màu hoặc cây ăn trái.
Hầu hết các cửa hàng vật tư nông nghiệp tại thành phố cũng đã tạm thời ngưng lấy hàng mới, chỉ tập trung thu hồi nợ và bán lẻ hàng tồn kho. Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, giá các loại phân bón đã liên tục nhích lên, mức tăng bình quân từ 20.000-50.000 đồng/bao so với tháng trước.
Người tiêu dùng - nhất là nông dân - không khỏi lo lắng khi giá phân bón liên tục tăng.
(Ảnh tại cửa
hàng NGỌC DANH)
|
Giá phân urê (Phú Mỹ) bán lẻ lấy tiền liền tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ từ mức 230.000-235.000 đồng/bao vào thời điểm đầu tháng 8-2007 đã tăng lên mức 245.000-260.000 đồng/bao.
Giá phân DAP (Trung Quốc, loại hột xanh) tăng từ 380.000 đồng/bao lên 420.000- 425.000 đồng/bao; DAP hột đen có giá thấp hơn loại xanh khoảng 5.000-10.000 đồng/bao.
Chỉ trong khoảng 2 tuần qua, giá nhiều loại phân bón tại thành phố như: phân DAP, NPK, kali và phân lân đã vượt qua mức cao kỷ lục hồi tháng 3 và tháng 4-2007.
Nửa cuối tháng 3-2007, giá các loại phân urê bán lẻ lấy tiền liền tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố, với mức khoảng 280.000 đồng/bao, bán thiếu cuối vụ lấy tiền giá 295.000-300.000 đồng/bao. Cuối tháng 4-2007, phân DAP có giá bán lẻ lấy tiền liền khoảng 400.000 đồng/bao, cuối vụ lấy tiền giá 408.000-410.000 đồng/bao.
Trong tháng 8-2007, hầu hết các loại phân NPK, phân kali và lân vẫn đứng giá hoặc chỉ giảm nhẹ khoảng 10.000 đồng/bao (50kg). Nhưng trong tháng 9-2007, các loại phân NPK, kali đã tăng giá từ 20.000-45.000 đồng/bao.
Giá phân NPK Đầu Trâu 20-20-15 (Bình Điền) bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố hiện ở mức 330.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 Cò Bay 315.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 Việt Nhật 280.000 đồng/bao; phân kali (Liên bang Nga, Canada) 298.000 đồng/bao; phân lân (Long Thành): 85.000 đồng/bao.
Nhưng mức giá trên chỉ là giá bán ra tại các cửa hàng còn lượng hàng cũ tồn kho. Riêng những cửa hàng đã lấy hàng mới về, giá phân NPK Đầu Trâu 20-20-15 (Bình Điền) và NPK 20-2015 Cò Bay bán lẻ ra hiện đã ở mức 350.000-360.000 đồng/bao; phân NPK 16-16-8 Việt Nhật và phân kali (Liên bang Nga, Canada) 300.000 đồng/bao; phân lân loại tốt (LongThành) 90.000-95.000 đồng/bao.
Giá phân bón trong nước đang tăng cao do giá các loại phân bón và nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh.
Giá phân urê và DAP nhập khẩu từ nhiều nước như: Trung Quốc, Philippines... hiện đã tăng 9-15 USD/tấn so với tháng 8-2007. Giá cước vận chuyển hàng và nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các loại phân NPK và phân lân như: Lưu huỳnh, axít sunfuric, kali... cũng đã tăng giá từ 10-50% so với trước.
Giới kinh doanh phân bón cho rằng, giá phân bón có thể tăng cao dễ dàng vào thời điểm này cho thấy khả năng khó giảm lại trong vụ đông xuân tới.
Xu hướng tăng giá trong thời gian qua cho thấy, giá phân bón không còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi sức mua mà phụ thuộc nhiều vào giá cả trên thế giới. Vì vậy, khó có thể kềm được giá phân bón trong nước khi mà nguồn cung vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu và hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Người tiêu dùng rơi vào thế bị động.
Theo nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, ngoài ảnh hưởng giá phân thế giới tăng, giá các loại phân urê trong nước tăng cao còn do có sự đầu cơ của các nhà phân phối.
Giá phân urê của Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện được công bố bán ra thị trường chỉ ở mức 4.500 đồng/kg (225.000 đồng/bao) nhưng dường như Đạm Phú Mỹ chỉ bán hàng cho một số ít nhà phân phối.
Vì vậy, nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón tại Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL không mua được hàng trực tiếp từ nhà máy, mà buộc phải mua lại từ các nhà phân phối ở TP Hồ Chí Minh với giá lên đến 5.000 đồng/kg.
Tình trạng này làm cho nhiều cửa hàng rơi vào thế bị động về nguồn hàng và giá cả. Khả năng xảy ra tình trạng khan hàng và sốt giá phân bón cục bộ trong vụ đông xuân 2007-2008 tới đang làm nhiều người lo ngại.
Trong tháng 8-2007, giá phân bón đã giảm mạnh so với trước nhưng các đại lý và cửa hàng vật tư nông nghiệp không dám dự trữ để chờ giá tăng. Nguyên nhân do các đại lý và cửa hàng vật tư nông nghiệp lo ngại giá còn giảm và thiếu nhà kho chứa hàng.
Hơn nữa, dự trữ phân bón với thời gian dài, trong điều kiện thời tiết xấu (mưa, lũ, bão...) hàng dễ bị hư nếu nhà kho không đảm bảo. Hiện nay, giá phân bón đang tăng nhanh, các đại lý và cửa hàng vật tư nông nghiệp càng không dám mua hàng dự trữ, do lo ngại giá phân giảm trở lại sẽ bị lỗ nặng.
Ông Đỗ Ngọc Danh, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Danh ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Bây giờ mua phân bón thường phải trả tiền mặt liền, trong khi chúng tôi phải bán chịu cho nông dân.
Hiện tại, sức mua yếu và do không có nhiều vốn nên tôi chưa lấy hàng về bán, mà chủ yếu tập trung thu hồi nợ cũ. Với tình hình giá phân bón tăng vọt, chắc chắn vào mùa kinh doanh trong vụ đông xuân tới, nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp sẽ gặp khó.
Nguyên nhân do giá tăng làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, tiền lời bán phân thu vào không đủ để bù đắp khoảng chênh lệch tăng giá để mua lại hàng mới”.
Còn nông dân, dù dự đoán giá phân bón có nhiều khả năng còn tăng nhưng cũng không có điều kiện chủ động mua hàng vào lúc giá còn rẻ. Nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái và hoa màu đã hạn chế lượng phân bón sử dụng hoặc tạm thời ngưng bón phân cho vườn cây ăn trái do tính toán giá đầu ra quá thấp như các loại cây chanh, ổi...
Ông Võ Văn Năm ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ đang có 3 công vườn trồng cam, bưởi và 7 công ruộng vừa thu hoạch lúa vụ 3. Ông Năm cho biết: “Giá cam, bưởi không tăng mấy nhưng giá phân bón tăng quá cao, nên tôi chỉ có thể giảm lượng phân bón lại. Riêng phân bón cho 7 công ruộng, thường tới sạ lúa tôi mới mua và có khi đến cuối vụ lúa mới trả tiền”.
(Nguồn euro2012.phapluattp.vn)
No comments:
Post a Comment